top of page

Rác làm mình mất ngủ!

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc: Trái đất đang đứng trước nguy cơ hủy diệt hoàn toàn sự sống lần thứ VI. Đã quá muộn để có thể phục hồi, giờ chỉ còn tính tới sự tồn tại của loài người mà thôi.



Family sleeping in the dirt

Lần cuối cùng, sự sống trên trái đất bị hủy diệt gần như hoàn toàn là 66 triệu năm trước đây, khi mà một thiên thạch khổng lồ đâm vào trái đất, dẫn tới sự biến mất của khủng long và chấm dứt sự thống trị của các loại bò sát. Hiện nay, chúng ta cũng lại một lần nữa đứng trên ngưỡng cửa của sự hủy diệt hoàn toàn, nhưng lần này là do hoạt động của con người, sự ngu dốt, tham lam và nghĩ ngắn của họ.

Báo cáo dài tới 1800 trang, chỉ ra rằng một nửa trong số những loài động, thực vật được biết tới - khoảng một triệu loài - đã biến mất hoặc sẽ biến mất hoàn toàn khỏi trái đất, trong thời gian ngắn tới. Những khu rừng tự nhiên giảm đi và biến mất, hệ thống sinh thái thay đổi dẫn tới khí hậu thay đổi, khí, chất độc ngày càng nhiều, nên chỉ trong khoảng 30 năm tới, con người sẽ có thể nhìn thấy những hậu quả của việc đó ở khắp nơi.


Con người tàn phá trái đất chủ yếu trong 50 năm vừa qua, dẫn tới việc phá vỡ hoàn toàn hệ thống sinh thái, trong khi dân số thế giới tăng gấp đôi, lên tới 7,53 tỷ người, kinh tế tăng gấp 4, và buôn bán tăng gấp 10 lần.


Những hoạt động con người dẫn tới thảm họa môi trường chủ yếu là: săn bắt thú tự nhiên vô tội vạ, phá rừng, đánh cá kiểu tận diệt... dẫn tới thay đổi khí hậu, nhiễm độc nguồn nước và sự xâm lấn của các loài độc hại.


Càng ngày càng ít rừng và đất tự nhiên, con người chiếm tới 1/3 diện tích đất trên toàn thế giới và 75% nguồn nước ngọt để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nguyên liệu làm quần áo và sản xuất. Trong khi đó, diện tích xây dưng đô thị từ năm 1992 tới 2018 đã tăng 100% cùng với khoảng 100.000.000 hecta rừng bị chặt hạ. Phân hóa học, hóa chất ngấm vào đất, khiến cây cối không thể mọc được, cũng không thể phục hồi ở khoảng 400 nơi, nếu tính tổng lại thì tương đương với diện tích Ba Lan (312 ngàn km2).


Thú hoang ngày càng ít, khoảng 20% các loài thú đã biến mất so với đầu thế kỷ 20. Đặc biệt là ở các khu rừng nhiệt đới, chim chóc và côn trùng hầu như biến mất hoàn toàn. 40% các loại ếch, nhái, 1/3 số lượng san hô, cá mập hay động vật biển đã không còn. 10% loài côn trùng cũng chung số phận.

Nếu không còn côn trùng thì không còn ai thụ phấn hoa, cây cối không nảy sinh được, hệ thống sinh thái bị phá vỡ và dẫn tới diệt vong. Trong vòng 300 ngàn năm từ ngày giống người (Homo sapiens) xuất hiện, chưa bao giờ xảy ra sự hủy diệt hoàn toàn như hiện nay.


Nguồn nước ngày càng bẩn. có khoảng 400 triệu tấn kim loại nặng đang hòa tan trong nước, chưa kể các hóa chất hữu cơ khác, được tạo ra bởi con người. (Formusa có liên quan mạnh không?)

Vấn đề nguy hiểm và nhìn thấy được nhất hiện nay là chất thải nhưa. Từ năm 1980 đến nay, sự ô nhiễm môi trường bởi nhựa phế thải đã tăng lên 10 lần. Hàng năm, loài người sản xuất ra khoảng 300 triệu tấn nhựa, trong đó chỉ có 5% là được tái chế đúng.


Và hậu quả là tất cả chúng ta cùng gánh chịu. Túi nylon, ống hút nhựa, đồ nhựa phát tán khắp nơi, giết chết hàng triệu sinh vật và cả con người. Hàng ngày, mỗi người chúng ta ăn vào cơ thể từ 800 tới 1.000 mẩu nhựa nhỏ (microplastic). Hầu như trong mọi thực phẩm chúng ta ăn đều có mẩu nhựa.

Hệ thống sinh thái bị phá vỡ là trái đất sẽ nóng lên, mà cứ thêm 2 độ C thì khoảng 5% các loài động, thực vật sẽ biến mất, kéo theo hàng loạt hiệu ứng thiên nhiên khác: bão, cháy rừng, lũ lụt, hạn hán... cấp độ ngày càng lớn và dữ dội, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mọi người.


Không còn cách nào khác, con người phải hành động để cứu lấy bản thân trước sự hủy diệt. Hạn chế khí thải, hóa chất, từ cấp quốc gia tới những cá nhân. Đây không còn là "việc của ai" nữa, cũng không còn là "dân chủ" hay "cộng sản", "giàu" hay "nghèo", "có học" hay "không được học" - tất cả đều cùng lãnh hậu quả và cùng chết như nhau.


Hãy bỏ sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, túi nylon dùng 1 lần và những thứ có hại cho môi trường. Hãy tự cứu lấy mình, cứu lấy chúng ta.


Note: Bản báo cáo 1800 trang được lập bởi 450 nhà khoa học từ 50 quốc gia, trong vòng 3 năm, sử dụng 15 ngàn bộ tài liệu khoa học nghiên cứu về môi trường và xã hội trong suốt 30 năm qua. Mình viết tóm tắt lại dựa trên các bài báo ở Newsweek,Wykoppl, Polityka. Bài rất dài nhưng rất mong mọi người cố gắng đọc hết. Nếu mọi người không tự thay đổi bản thân và có ý thức, thì mọi cố gắng đều vô nghĩa mà thôi.


Nguồn ảnh từ ảnh Save Our Seas Cảm ơn a Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hung) Rác làm mình mất ngủ 22/6/2019

bottom of page